Ý nghĩa và nhận định Si bà tử truyện

Theo lời Paola Zamperini thì Si bà tử truyện "được xem là một trong những nguồn tài liệu khiêu dâm đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc".[16] Cùng với Như ý quân truyện (如意君傳) và Tú tháp dã sử (繡榻野史), Si bà tử truyện là một trong ba tác phẩm khiêu dâm được nhắc đến trong Nhục bồ đoàn do nhà văn thời Thanh Lý Ngư viết nên.[1] Wu Cuncun nhận định Si bà tử truyện "có thể được coi là một tác phẩm tiêu biểu đầu tiên trong việc kể lại hàng loạt cuộc phiêu lưu tình dục của một người phụ nữ vốn xuất thân từ nhà thị dân bình thường và tương đối khiêm tốn".[17] Cuốn tiểu thuyết cũng sử dụng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất là nữ, mà theo như Zamperini mô tả là "một sự kiện rất hiếm gặp... (điều đó) phá vỡ hoàn toàn phương thức và mô típ kể chuyện trước đây và sau này".[18]

Martin W. Huang viết rằng cuốn tiểu thuyết này nên được coi là một trong những tác phẩm giả tưởng được xuất bản sớm nhất ở Trung Quốc nhằm bảo vệ "nữ quyền",[19] mà nhân vật chính A Na "không chỉ là chủ thể khao khát mà... còn là đối tượng biểu lộ vốn có khả năng diễn ngôn để xác định và diễn giải tính chủ quan của chính mình".[20] Bất đồng quan điểm này, Hoi Yan Chu lập luận rằng Si bà tử truyện "là ảo tưởng và được xây dựng dựa trên quan điểm của nam giới"[4] và "hàm ý gia trưởng chủ yếu được thể hiện ở ba lần từ chối ham muốn của phụ nữ thông qua việc thể hiện những nỗ lực bất thành của phụ nữ trong việc tích cực theo đuổi khoái cảm tình dục, nhấn mạnh sự thụ động là cách duy nhất để nữ giới đạt khoái cảm và trừng phạt những người phụ nữ".[21]